Cẩn thận: Thời tiết lạnh làm tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim, đột quỵ

nguy cơ đột quỵ nhồi máu cơ tim

Cẩn thận: Thời tiết lạnh làm tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim, đột quỵ

Khi trời vào đông, một số khu vực thời tiết trở lạnh sâu, rét đậm, rét hại. Nhiệt độ giảm đột ngột khiến cơ thể của người già khó thay đổi để thích nghi với thời tiết. Đặc biệt, cần hết sức cẩn thận khi di chuyển qua lại giữa các khu vực có sự chênh lệch nhiệt độ cao. Lúc trời lạnh, các mạch máu bị co lại, đẩy huyết áp tăng cao là nguy cơ dẫn đến nhiều bệnh nguy hiểm, điển hình là đột quỵ, nhồi máu cơ tim… Tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, mới đây bệnh viện đã cứu sống 10 bệnh nhân nhồi máu cơ tim cấp.

bệnh nhồi máu cơ tim
Ảnh minh họa.

Đột quỵ, nhồi máu cơ tim… Nguy cơ từ thời tiết lạnh

Theo thông tin từ Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, trong 2 ngày 9/12/2020 và 11/12/2020 liên tiếp 10 bệnh nhân nhồi máu cấp được đưa vào cấp cứu.

Bệnh viện đã huy động cùng lúc 2 ê-kíp can thiệp mạch vành can thiệp cả 10 trường hợp nhồi máu cơ tim cấp. Ê kíp 1 do ThS.BS Trần Văn Triệu – Phó Khoa, phụ trách Khoa Tim mạch can thiệp; BS.CKI Nguyễn Huỳnh Minh Thông.

Ê kíp 2 do BS.CKI Nguyễn Văn Nhiệm, BS Dương Hoàng Mẫn. Cho đến ngày 16/12/2020 tất cả 10 bệnh nhân đều ổn định.

BS.CKII Phạm Thanh Phong – Phó Giám đốc phụ trách chuyên môn kiêm Giám đốc Trung tâm tim mạch BVĐK Trung ương Cần Thơ cho biết: Nhồi máu cơ tim là tình trạng tắc hoàn toàn một hoặc nhiều nhánh động mạch vành – động mạch cung cấp máu nuôi tim một cách đột ngột, làm chết tế bào cơ tim.

Đây là một tình trạng khẩn cấp, người bệnh có thể tử vong rất nhanh nếu không được cấp cứu kịp thời, những trường hợp may mắn sống sót thì nguy cơ suy tim trong tương lai cũng rất cao.

Nhồi máu cơ tim là một trong những bệnh lý về tim gây nguy hiểm đến tính mạng, người bệnh mắc bệnh nên được điều trị càng sớm càng tốt. Kỹ thuật can thiệp mạch vành ở bệnh nhân nhồi máu cơ tim có thể được coi là phương pháp hữu hiệu nhất hiện nay.

Mối liên hệ giữa nhiệt độ không khí và nhồi máu cơ tim đã được chứng minh qua nhiều nghiên cứu trên thế giới. Tại Anh, người ta nhận thấy cứ giảm 1oC nhiệt độ không khí sẽ làm tăng 2% nguy cơ bị nhồi máu cơ tim trong 28 ngày sau đó. Ở Canada, một trong những quốc gia lạnh nhất thế giới, các nhà khoa học đã nhận thấy giảm 10oC sẽ tăng 7% nguy cơ bị nhồi máu cơ tim cấp.

Theo các chuyên gia y tế, về mùa lạnh, huyết áp thường tăng cao so với mùa hè khoảng 5 mmHg, sự duy trì liên tục mức tăng huyết áp này sẽ làm tăng 21% các biến chứng tim mạch.

Những ngày qua, nhiệt độ xuống thấp, số lượng  bệnh nhân liên quan đến thời tiết lạnh như: tăng huyết áp, đột quỵ, tim mạch… có xu hướng tăng lên, đáng chú ý có cả nhiều người trẻ- có thể nghĩ mình còn trẻ khỏe nên chủ quan.

Theo thống kê từ Trung tâm đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai, chỉ trong hơn 2 tuần qua, đơn vị này đã tiếp nhận tới 750 bệnh nhân đột quỵ. Đáng báo động trong số đó có 60 người có độ tuổi từ 18 – 44, chiếm tỷ lệ xấp xỉ 10%.

Theo số liệu của Hội Tim mạch Việt Nam thì cứ 4 người từ 25 – 49 tuổi thì có một người tăng huyết áp và đây là nguyên nhân chính gây nên đột quỵ ở người trẻ. Ngoài ra, bệnh nhân đột quỵ trẻ còn liên quan đến các yếu tố di truyền, có bất thường về mạch máu, hoặc tình trạng đông máu, dẫn đến nguy cơ vỡ mạch máu, hoặc tắc mạch máu gia tăng.

Được biết, nhiều bệnh nhân bị tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim; nguyên nhân là do thời tiết lạnh đột ngột. Những trường hợp này hay gặp ở người già; có người đang trong chăn ấm, dậy đi tiểu, gặp lạnh mạch máu co lại đột ngột dẫn đến tai biến.

Khi trời rét, các mạch máu co lại đã là một nguyên nhân khiến huyết áp tăng, các biến chứng có thể xảy ra. Bên cạnh đó kèm thêm các yếu tố thuận lợi khác như: chui ra khỏi chăn ấm, gặp cơn gió lạnh, đi tiểu…, tất cả đều làm cơ thể bị mất thêm nhiệt. Chính sự thay đổi đột ngột đó của cơ thể khiến các mạch máu càng co lại, huyết áp càng tăng. Khi đó với những người vốn bị bệnh tim mạch thì các biến chứng như: vỡ mạch máu trong não, đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim… xuất hiện nhiều hơn.

Vì vậy, vào mùa lạnh, người dân cần được giữ ấm đầy đủ, đặc biệt người cao tuổi hoặc người có tiền sử mắc các bệnh tim mạch như tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh mạch vành.

Cần tránh ra trời lạnh đột ngột vào buổi sáng, nhất là lúc mới ngủ dậy. Khi tắm rửa cần làm ấm phòng bằng đèn sưởi và dùng nước ấm, tránh tăng huyết áp đột ngột do lạnh

Những bệnh nhân bị bệnh lí tim mạch trước đó, cần tuân thủ điều trị, hạn chế ra ngoài trời khi nhiệt độ quá thấp, giữ ấm đầy đủ, nhất là khi ngủ.

Đối với trẻ nhỏ mắc các bệnh tim bẩm sinh, thời tiết lạnh dễ làm bệnh tim nặng hơn, ngoài ra còn dễ khiến trẻ mắc các bệnh lý về hô hấp, như viêm họng, viêm đường hô hấp trên, viêm phổi.

Nguồn: baophapluat.vn

0/5 (0 Reviews)

Hotline: 0988.27.27.05
Chat Facebook
Gọi điện ngay