Hạn chế những thói quen sử dụng đồ dùng nhà bếp sau để tránh chúng nhanh hỏng và hại sức khỏe nghiêm trọng
Những cách sử dụng dụng cụ trong bếp hàng ngày cũng như cách bảo quản chúng cứ tưởng rất đỗi bình thường, không ảnh hưởng gì đến sức khỏe nhưng thật ra có thể bạn đã phạm phải nhiều sai lầm nhé.
- Bí quyết làm sạch đồ dùng nhà bếp trong ‘chớp mắt’
- Các mẹo đơn giản giúp việc rửa bát nhàn tênh
- 9 quan điểm sai lầm về thực phẩm đã đánh lừa cả thế giới trong nhiều năm
Mỗi vật dụng bếp được làm từ các vật liệu khác nhau cũng như cách sử dụng và cách bảo quản cũng sẽ khác. Thế nhưng, nếu bạn không hiểu hết về chúng thì việc sử dụng sai cách sẽ khiến vật dụng giảm tuổi thọ và ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của bạn cũng như cả gia đình.
Sai lầm khi dùng cọ kim loại để rửa chảo
Kim loại là kẻ thù của chảo chống dính. Thực tế, rất nhiều người thường quen tay dùng miếng cọ kim loại để rửa chảo và cho rằng rửa như vậy chảo sẽ sạch hơn. Nhưng đây lại là một sai lầm bởi việc chà xát bằng miếng cọ kim loại sẽ khiến lớp chống dính bị bong tróc, không chỉ làm chảo nhanh hỏng, mà khi nấu ăn còn khiến chất độc dễ ngấm vào thực phẩm hơn.
Dao nhọn sắc dùng cho thớt đá
Thớt bằng đá cẩm thạch trông thì thật đẹp và bắt mắt, khiến cho căn bếp của bạn “sang” hơn nhiều nhưng có lẽ đó là công dụng duy nhất của loại thớt này. Bởi dao nhọn sắc không nên được sử dụng cùng thớt đá, hãy thay thế bằng những chiếc thớt gỗ tiện lợi.
Không vệ sinh thớt trước khi dùng
Trước mỗi lần chế biến thức ăn, bạn nên rửa sạch dao, thớt vì những dụng cụ này có thể bám bụi bẩn, vi khuẩn, nấm mốc dù đã được rửa sạch và treo nơi khô ráo. Thói quen tưởng chừng đơn giản này sẽ giúp ngăn chặn hàng tá vi khuẩn tấn công cơ thể.
Ngâm thớt quá lâu dưới nước
Việc chị em thường ngâm thớt để việc tẩy rửa trở nên nhanh gọn hơn, tuy nhiên cách này khiến thớt dễ hư hỏng đặc biệt là thớt gỗ. Thớt gỗ ngâm nước trong một thời gian dài gây ra các vết bẩn, vết nứt, và hơn thế là sự sinh sôi của vi trùng, điều này ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của bạn.
Sai lầm khi đặt nồi trên lửa lớn
Việc mở lửa quá lớn sẽ gây ảnh hưởng đến đồ dùng nhà bếp của gia đình bạn, thể hiện ở những dấu hiệu khác nhau với các chất liệu khác nhau. Với thép không gỉ bạn sẽ thấy xuất hiện những “vết bẩn cầu vồng”, hoặc với nồi chống dính sẽ mất đi tác dụng chống dính sau nhiều lần “quá lửa”…
Bảo quản đồ dùng không đúng cách
Sau khi rửa bát xong, hãy đảm bảo bát đĩa, xoong nồi và dụng cụ làm bếp được lưu trữ ở nơi thoáng mát, khô ráo và không bị chồng chéo lên nhau như thế này. Việc chồng chéo quá nhiều đồ dùng có thể khiến chúng bị ẩm, là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát sinh. Hơn nữa, việc này còn khiến cho bạn gặp khó khăn mỗi khi tìm kiếm một thứ đồ dùng gì đó đang bị “chôn vùi” trong giá bát ngổn ngang kia.
Nồi cơm điện
Nhớ lau thật khô lòng nồi trước khi cho vào nồi cơm điện để tăng tuổi thọ cho chiếc nồi của bạn. Bên cạnh đó bạn cũng nên dùng miếng chùi nồi mềm, thay vì miếng bùi nhùi bằng kim loại gây tróc lòng nồi.
Máy xay sinh tố
Với đồ dùng nhà bếp này, bạn lưu ý không nên xay các thực phẩm vừa mới nấu khi còn quá nóng, tốt nhất là để nguội bớt trước khi cho vào máy. Để làm sạch máy xay sinh tố, thay vì rửa bằng nước, bạn hãy dùng một miếng khăn ẩm và lau các chi tiết máy. Bạn cũng không nên để máy nghiền làm việc quá lâu vì sẽ làm nóng động cơ gây cháy máy. Cũng nên hạn chế sử dụng máy xay sinh tố cho việc băm nhỏ các nguyên liệu khô như bánh quy giòn.
Hy vọng với những mẹo sử dụng đồ dùng nhà bếp trên, bạn hoàn toàn có thể yên tâm về sức khỏe và tiết kiệm được kha khá chi phi cho việc sắm đồ dùng liên tục.
Thủy Nguyễn
NHẬN XÉT